Pháo hoa xanh đỏ vang trời rộng
Mấy ai buồn cho vận nước không?
Ngày hội pháo bông ở Asakusa là một dịp hay để học hỏi những điều tốt đẹp từ văn hóa tổ chức sự kiện của Nhật Bản. Tôi bắt đầu khởi hành từ lúc trưa, đi vòng quanh qua các cửa hàng lớn ở gần khu bắn pháo bông để ngắm hàng hóa và chuẩn bị một số lương thực phẩm chinh chiến cho buổi tối hôm đó.
Điều đầu tiên là khái niệm đặt chỗ trước, mỗi người muốn có chỗ cho bạn bè và người thân của mình thì chỉ cần đơn giản ra sớm, còn chỗ và đặt một tấm bạt hay chỉ đơn giản là bỏ một cái gì đó làm dấu cho biết là đã có chủ nhân. Những ô nhỏ đã được ban tổ chức phân chia sẵn, việc còn lại là ra sớm và xí chỗ. Dĩ nhiên không cần phải ngồi đó cả ngày để giữ chỗ vì khi nhìn thấy dấu hiệu đã có người đặt thì chẳng ai giành giật hay dời chỗ của bạn cả. Yên tâm.
Nói về quy mô, tổ chức một đêm hội pháo bông cho 10.000 người tham dự không hề đơn giản. Họ có hẳn một lực lượng giữ gìn trật tự rất lịch sự và chuyên nghiệp đứng từ những tư cách đó hàng vài cây số để hướng dẫn người đi bộ và xe cộ lưu thông. Người đi bộ chỉ được đi trên lề đường thôi nhé.
Một điều khá ấn tượng là diện tích mặt sân để tổ chức cho người tham gia ngồi là một bãi đất rộng mênh mông, áng chừng gấp đôi diện tích một sân vận động, nằm ngay sát bờ biển (tôi tự hỏi lúc đó nếu có sóng thần thì sao ta :D). Bao bọc chung quanh bởi bờ biển và một dãy các chung cư lân cận.
Sân coi bắn hình vuông, mặt chính diện dành cho khán giả đi vào được che lại, chỉ chừa hai bên đường đi rộng ra vào, lực lượng an ninh trật tự, cứu thương cứu hỏa sẽ ưu tiên ngồi ngay cạnh đó. Ở cạnh đối diện với lực lượng này là dàn pháo bông sát bờ biển và hàng ghế danh dự dành cho ban tổ chức, khách mời ... Hai cạnh còn lại của sân sẽ được dùng để đặt các gian hàng buôn bán đồ ăn thức uống cho khách tham dự và một dãy nhà vệ sinh ấn tượng đủ để phục vụ cho những người tham dự coi bắn pháo bông. Đây là điều cực kỳ quan trong mà Việt Nam ta cần học hỏi khi tổ chức sự kiện.
Phần diện tích còn lại là dành cho khán giả coi pháo bông, khi tham dự những sự kiện như vầy thì nam nữ thanh niên Nhật Bản thường bận những bộ Yukata (loại Kimono mỏng, ít lớp vào mùa hè cho mát), nhưng chỉ một số chân đi guốc, còn lại vẫn là dép. Tôi quan sát thấy có rất nhiều bạn Việt Nam (và cả nước ngoài) thích mặc Yukata, nhưng tự hỏi nếu ở Việt Nam ta, áo dài có được chuộng trong những dịp như vậy hay không, sẽ có một ngàn lẻ một lý do để nói về ... sự bất tiện của áo dài. Nhưng dù sao đó là cái hồn của dân tộc. Hãy trân trọng và gìn giữ.... (Hết phần 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét