Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Chữ Người

Làm NGƯỜI trong chốn hỗn mang
Chung lưng đấu cật còn mang chữ NGƯỜI
Trót mang chữ sĩ trên đời
Đến khi gặp bạc, mắt ngời như lang

Ông Sư tu ở trong chùa
Còn Người lang bạc đi tu giữa đời
Giữa đời khi nắng khi mưa
Mưa thì lại ướt, thắm chưa chữ NGƯỜI?

Cỏ cây cũng biết làm người
Góp đời xinh đẹp có đòi chi đâu
Dẫu cho oằn xéo, dẫm đau
Vẫn đơm hoa trái, chẳng hờn trách nhau

Chữ NGƯỜI có khó đảm đương?
Thôi thì cụ thể biết đường mà theo

Một là phải biết THẬT THÀ
Dẫu cho lời nói, việc làm chẳng ngoa
Hai là phải biết THƯƠNG YÊU
Thương em, thương bạn, thương người thương thân
Ba là phải biết NHẬN SAI
Dù cho lỗi lầm, phải biết ăn năn

Ông trời vẫn cứ nắng mưa
Dẫu bao năm tháng vẫn chưa dứt lời
Mà sao vẫn mãi chữ NGƯỜI
Qua bao năm tháng vẫn hoài gian nan.

Tokyo, ngày 09 tháng 8 năm 2014.
Trống Không

Ai nhớ tình ai bớ nước non
Thanh xuân vùi dập tí con con
Bâng khuân chiều vắng lòng xao xuyến
Đêm về thao thức nhớ hư không

Một cõi mộng mơ hay cõi thực
Nhớ ngày nắng mới chớm thành thơ
Tắm gội tinh thần bằng điệu nhạc
Lặng lẽ quay về nhẹ tựa bông

Mơ ước một đời có dám không?
Dẫu cho nhân thế có xoay vòng
Một bước toả ra năm bảy ngả
Chọn lối đi về thoả ước mong

Sen hồng thơm ngát khoe muôn sắc
Cũng từng vùi dập chốn bùn tanh
Dẫu có trăm ngàn cơn khốn khó
Kiên gan bền chí ắt thành công.

Chiều tím bâng khuân lòng hụt hẫng
Bây giờ đã được mất xuân xanh
Tuổi trẻ bôn ba nơi đất khách
Ngẫm lại thời gian trôi quá nhanh

Đừng để lụi tàn bao khát vọng
Để rồi tiếc nuối với ngóng trông
Có dám bền gan cùng chí lớn
Cùng nhau vượt khó thoả chờ mong.

Tokyo, 08-08-2014

Tư duy "Chảy máu chất xám" và chuyện những con sao biển

Nhân chuyện đáp án đúng sai và cả những thống kê về số người "ra đi" và số người "quay về" trong "trò chơi" Đường lên đỉnh Olympia vừa rồi, có rất nhiều ý kiến bình luận về vấn nạn chảy máu chất xám, việc người tài không quay về nước sau khi "lên đỉnh Olympia".

Tất cả những bình luận đó làm tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về  "Những con sao biển" trong quyển "Hạt giống tâm hồn" mà tôi đọc từ lâu lắm rồi. Câu chuyện kể về một ông lão về hưu đang đi nghỉ ở bờ biển. Một buổi sáng đẹp trời ông đi dạo trên bờ biển đầy cát trắng và cả những con sao biển bị những con sóng cuốn vào bờ. Ông lão bắt gặp một cô bé chừng mười tuổi cũng đi dạo giống như ông, nhưng thỉnh thoảng cô bé lại cuối xuống nhặt một con sao biển và trả chúng về biển khơi. Ông lão rất lấy làm ngạc nhiên và lặng lẽ theo dõi cô bé. Cô bé cứ đều đặn làm công việc vô vọng đó cho đến khi ông lão không ngăn được tò mò và hỏi cô: "Tại sao cháu lại làm những việc vô nghĩa đó, vì sao biển bị mắc cạn ở đây rất nhiều, cháu không thể đem tất cả sao biển trả về đại dương nổi". Rất hồn nhiên, cô bé trả lời: "Dạ thưa đúng là có rất nhiều sao biển bị mắc cạn và cháu không thể mang tất cả chúng về đại dương. Nhưng cháu nghĩ với những con sao biển được trả về biển khơi thì chuyện này rất có ý nghĩa với chúng ạ". Ông lão sững người đăm chiêu như vừa ngộ ra được một điều gì.

Có một điều rất buồn cười là khi có người ra đi thì luôn luôn có nhiều ý kiến thiên về trách cứ, cật vấn người đi và thái độ có phần hậm hực của người cầm trịch. Nhưng có mấy ai đặt câu hỏi ngược lại là nếu họ ở lại, họ sẽ được đào tạo như thế nào? Hay họ lại chìm vào quên lãng như bao số phận khác?

Hãy nghĩ về việc làm thế nào để phát hiện ra nhiều người tài giỏi bằng một hệ thống đào tạo và khảo thí nghiêm túc, hiệu quả. Ở Nhật Bản này, trường ĐH Tokyo (Todai) được xem là một Harvard ở Nhật Bản và muốn vào học thì ngay từ phổ thông, học sinh phải lựa chọn một lộ trình phù hợp để theo đuổi. Với những người bảo thủ, thì Todai không thua kém các trường ĐH khác trên toàn thế giới, nên không có lý do gì để người Nhật phải ra đi cả. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người Nhật đi những nước phát triển khác. Điều này có nghĩa là không phải hễ có một hệ thống giáo dục và môi trường tốt là giữ được người. Ngay cả một nước như Nhật Bản. Cho nên việc người tài ở VN ra đi là điều rất dễ hiểu.

Vậy nên trước khi chỉ trích họ, thì hãy nhìn nhận một cách công tâm về hiện trạng của quốc gia và chung tay xây dựng.