Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Xuân này có về ???

Trưa nay ăn cơm trưa nói chuyện với ông Giáo, khi trở về lab thì tự nhiên trong đầu văng vẳng lại những lời bài hát của Thanh Tuyền.

Khi mong muốn quá nhiều điều thì dường như giá phải trả cũng tương ứng.

Đã 2 xuân rồi không về ...
Dẫu gì rồi ta cũng về ...

Mình đã từng nghe rất nhiều lần bài hát "Xuân này con không về" của Duy Khánh.
Và cái tết đầu tiên ở Nhật, mình cũng lẩm nhẩm bài hát này.
Giờ thì chẳng thiết tha gì khi nghe bài này vào dịp Tết ở Nhật nữa.


Lại chợt nhớ đến bài "Tôi chưa có mùa xuân" của Duy Khánh.
Đây là bài hát ấn tượng nhất và tôi biết đến sớm nhất, từ khi còn học cấp 1. Hồi đó, Tía tôi có mua một cái máy cassette, và một bộ sưu tập băng nhạc các thể loại, tôi còn nhớ là đầy nhóc cả ngăn tủ kéo. Tôi biết đến các loại nhạc từ lúc đó, nhưng tôi còn quá nhỏ để đọc và biết được các tác giả. Chỉ cảm nhận các giai điệu và lời hát mà thôi. Lời bài hát lúc đó theo tôi nghĩ một cách ngô nghê và vô nghĩa với tôi, nhưng ngược lại, giai điệu thì cực kỳ thích thú. Sau này khi tôi tìm hiểu thêm thì được biết những bài hát vào đầu giờ chiều của rạp hát Vĩnh Phú lúc đó để mời khách xem phim là của nhóm Boney M.


VO Huu-Phuc

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Hội sinh viên Sokendai - Sokendai Student Committee


  • Từ khi còn đi học ở Việt Nam thì tôi đã biết đến khái niệm Đoàn Sinh Viên - Hội Thanh Niên. Đây là những tổ chức được lập ra để tổ chức những sự kiện giao lưu, phát động phong trào .... nhằm mục tiêu giúp sinh viên gắn kết hơn và trao dồi kỹ năng học tập ở bậc Đại học. Tôi cũng đã từng tham gia rất tích cực khi còn đi học đại học, nhưng cũng rất chán ngán khi phải chạy theo phong trào này, phong trào kia, phong trào nọ để có thể "đạt thành tích" mà "ở trên" giao chỉ tiêu xuống.
  • Khi qua Nhật học thì thoạt đầu tôi được tiếp xúc với khái niệm Student committee (Hội sinh viên) ở trường mà tôi đang theo học thông qua một anh bạn khoá trước. Cũng với mục đích tò mò là chính, tôi đã đăng ký tham dự vào Student Committee thử xem sao, nhằm có dịp so sánh những khác biệt, cũng như ưu nhược điểm giữa Hội sinh viên "ta" và Hội sinh viên "bạn".

  • Như tôi đã nói ở trên, điểm tương đồng giữa Hội sinh viên "của bạn" và "của ta" là hướng đến sự hợp tác, giao lưu, hoà nhập và trao đổi học tập nghiên cứu giữa sinh viên ở các ngành và lãnh vực nghiên cứu khác nhau. Điều này hoàn toàn đúng đắn.
  • Điểm khác biệt lớn nhất là số lượng và cách thức hoạt động. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến cách thức hoạt động/điều hành của Hội sinh viên "bạn".
  • Điểm thứ 1 là số lượng sinh viên tham dự: khoá học của tôi tổng cộng 34 sinh viên, trong đó 16 sinh viên theo chuyên ngành CNTT, số lượng sinh viên người Việt là 5/16 sinh viên. Với số lượng sinh viên như vậy thì có thể xem là ít so với bên ta.
  • Điểm thứ 2 là thành phần tham dự: ở những buổi họp mặt của nhóm sinh viên đều có sự tham gia của ít nhất ... 3 giáo sư và 3 người thuộc bộ phận Giáo vụ của Trường. Họ sẽ có nhiệm vụ mượn phòng, gửi mail xếp lịch, tư vấn và giám sát các buổi họp của sinh viên. Thường thì những vị này không can thiệp vào việc điều hành buổi họp, nhưng họ có thể đặt câu hỏi để giúp nhóm sinh viên thảo luận hiệu quả hơn và nhích gần đến mục tiêu đã đề ra hơn.
  • Điểm thứ 3 là KHÔNG HÌNH THỨC: không phát động phong trào, không kêu gọi, .... Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa "bạn" và "ta". Ở bên ta thì sau khi làm đơn xin vào sẽ có xem xét và kết nạp, có hẳn giấy chứng nhận đàng hoàng. Còn ở đây thì họ ... "thiếu chuyên nghiệp" hơn ở bên ta, bởi hễ là sinh viên thì được toàn quyền tham dự hoặc không tham dự. Họ cũng không phát động phòng trào hàng tuần, tháng, quý hay năm như bên ta. Chỉ đơn thuần là GIÚP SINH VIÊN HOÀ NHẬP NHANH CHÓNG VÀO MÔI TRƯỜNG HỌC THUẬT. Cho nên những mục tiêu khác trở thành thứ yếu.
  • Điều mà tôi thấy thích thú nhất đó là họ mời hẳn những Giáo sư nghiên cứu về tâm lý học hay xã hội học (dĩ nhiên là người Nhật) để nói về những vấn đề VĂN HOÁ, PHONG TỤC của người Nhật, cách ứng xử của người Nhật, .... những điều mà họ coi là quan trọng trong văn hoá của Nhật. Nếu nhìn theo khía cạnh cực đoan thì có thể nói đây là bài học về "văn hoá" để tân sinh viên (hay những vị khách) "cần phải biết ứng xử" cho đúng.

  • Điểm thứ 4 là ĐÚNG GIỜ: có thể bạn sẽ thấy việc này là hiển nhiên, nhưng nếu so lại cách làm việc thường nhật của chính mình hay bạn quan sát được ở những người xung quanh bạn, từ công sở, trường học, .... thì sẽ thấy được đây là vấn đề LỚN thể hiện tính CHUYÊN NGHIỆP. Khi họ bắt đầu một buổi họp, seminar hay bất kỳ những buổi họp mặt nào, họ đều đúng giờ. Và có một điều mà tôi cảm thấy băn khoăn khi dạy cho sinh viên về cách thuyết trình, trong đó đề cập đến cách quản lý thời gian khi thuyết trình, nhìn đồng hồ sao cho người nghe không cảm thấy mình thiếu tôn trọng. Ở Trường tôi học, điều này không chính xác nữa. Những người thuyết trình luôn để ý đến chiếc đồng hồ, vốn dĩ luôn xuất hiện trong phòng hội họp, và họ để hẳn đồng hồ đeo tay kế máy tính để quan sát, hoặc giả họ show luôn hình đồng hồ trên slide trình chiếu. Và nghệ thuật chính là ở chỗ, họ luôn kết thúc đúng ngay thời gian đã định .

  • Điểm thứ 5 là DU LỊCH MIỄN PHÍ: nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng quả thật là như vậy. Mỗi năm sẽ có khoản 3 cuộc họp dành cho Hội sinh viên, có điều đặc biệt là trường đại học này có nhiều viện thành viên nằm rải rác khắp Nhật Bản, nên Thành viên điều hành của Hội sinh viên có thể lựa chọn địa điểm thành viên của trường để tổ chức họp. Và hoàn toàn miễn phí từ ăn ở cho đến đi lại :D.
Vậy theo bạn có nên tham gia hay không ???? 

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Research topics in multidisciplinary sciences - (Tạm dịch: Nghiên cứu đa ngành)

Việc tham dự các buổi seminar liên quan đến chủ đề mình nghiên cứu là một hoạt động thường xuyên và tất yếu đối với Ph.D. students nói riêng và researchers nói chung. Từ khi bắt đầu đợt thực tập ở NII (National Institute of Informatics), tôi đã có dịp tham dự được rất nhiều buổi seminar khác nhau như seminar lab, seminar group, TOPs seminar, ... Chủ đề của những buổi seminar cũng khác nhau.
>>> Như vậy việc nắm bắt được tất cả chi tiết mà diễn giả trình bày liệu có là điều bắt buộc khi tham gia các buổi seminar hay không ?
>>> Câu trả lời của cá nhân tôi là KHÔNG. Bởi vì các lý do sau đây:
      1. Kiến thức diễn giả cung cấp không thuộc lĩnh vực của bạn nghiên cứu, nên nếu như yêu cầu bạn nắm bắt ngay những điều mà người khác bỏ thời gian vài năm, vài chục năm để nghiên cứu là điều không thể. Bạn chỉ cần nắm được ý tưởng của diễn gỉa thì đã tốt lắm rồi.
      2. Lý do thứ hai là nếu buổi thuyết trình có quá nhiều nội dung, bạn chỉ cần nắm bắt các nội dung chính là đủ, không cần thiết phải cố gắng hiểu chi tiết, râu ria của từng ý. Khi cần thiết sử dụng kiến thức đó bạn có thể trao đổi liên lạc với diễn giả hoặc đọc thêm những công trình nghiên cứu của diễn giả đó.
>>> Tại sao cần phải tham gia những buổi thuyết trình mà ở đó trình bày những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và xa lạ đối với nghiên cứu của bản thân bạn ?
>>> Như lời khuyên của thầy tôi khi tôi vừa bắt đầu vào học thì mới ban đầu, người nghiên cứu cần có kiến thức chuyên sâu, tập trung vào một chủ đề nhất định. Cái này tương tự như việc tự mình xác định sở trường của bản thân, hoặc bạn có thể hình dung như việc "luyện nội công" trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Sau một thời gian "tu luyện" bạn sẽ đạt được một mức nội công nhất định, và có thể "xuống núi". Điều này có nghĩ là bạn hoàn tất Ph.D. và bạn phải bắt tay vào những nghiên cứu khác, có thể liên quan hoặc không liên quan đến cái mà bạn đã vừa làm. Như vậy thì làm sao để có những kiến thức đó ??? Chính những lần tham dự seminar với nhiều chủ đề khác nhau sẽ giúp cung cấp cho bạn những hướng nghiên cứu, lĩnh vực mà bạn dùng sau này.
>>> Tóm lại, tham dự seminar dù bất kỳ chủ đề nào, "không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc".