Vào trung tuần tháng 9 năm 2010, nhóm chúng tôi được mời tổ chức những lớp tập huấn về kỹ năng học tập, kỹ năng xây dựng mục tiêu học tập, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp cơ bản cho một số trường đại học ở Sài gòn.
Theo nhận định của tôi thì đa phần các bạn tân sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng cần thiết sau khi rời khỏi ghế nhà trường trung học phổ thông, cũng như còn thiếu các kỹ năng như: (1) kỹ năng học tập ở bậc đại học/cao đẳng, (2) làm việc nhóm và (3) kỹ năng xác định mục tiêu học tập.
Trước khi chính thức bước vào giảng đường đại học, các bạn trẻ được dành rất nhiều sự quan tâm, ưu ái từ phía nhà trường trung học phổ thông, các bậc phụ huynh và đặc biệt là xã hội nói chung. Tuy nhiên, một số những điều hiện nay là sau khi bước vào giảng đường đại học, các bạn tân sinh viên không được trang bị những kỹ năng học tập cần thiết ở bậc đại học/cao đẳng, những kiến thức mà vốn dĩ rất cần thiết không chỉ cho quá trình học tập ở bậc phổ thông, cao đẳng, đại học mà thậm chí là áp dụng cho trong cuộc sống sau này, khi các bạn bước ra ngoài xã hội, làm việc ở các công ty.
Như vậy, kỹ năng học tập là gì? Một trong những vấn đề quan trọng trước khi bàn đến kỹ năng học tập đó là kỹ năng xây dựng mục tiêu học tập như thế nào? Một thực trạng mà tôi gặp được rất nhiều đó là chọn ... sai ngành. Tâm lý của những thí sinh khi tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học là mong muốn đậu được vào trường, ngành nghề mà mình yêu thích. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu bạn trẻ thực sự xác định rõ được là mình yêu thích ngành gì? Một số phương án phổ biến để chọn lựa ngành nghề và trường hiện nay là:
1. Dựa vào dư luận xã hội. Đối với những ngành nghề mà dư luận xã hội chú ý quan tâm, sẽ được ưu ái lựa chọn nhiều nhất để sau này dễ kiếm việc làm.
2. Dựa vào khả năng của bản thân, những bạn này sẽ lựa chọn những trường và ngành nghề mà điểm tuyển tương đối thấp, mục đích là chọn được một trường nào đó để ... học. Một số may mắn sẽ chọn được đúng ngành nghề mình thích ở phương án này.
3. Dựa vào nguyện vọng của phụ huynh. Với những bạn trẻ có bậc tiền bối có kinh nghiệm trong lĩnh vựa nào đó hoặc là đã từng có ước mơ về một lĩnh vực nào đó nhưng không có điều kiện thực hiện. Những bạn trẻ này sẽ có sứ mệnh hoàn thành những mong muốn ở thì quá khứ của phụ huynh hoặc là những tương lai sáng lạng từ những bậc tiền bối nếu lựa chọn theo ngành nghề này.
4. Chọn lựa theo số đông bạn bè. Với những bạn trẻ không có được mục tiêu học tập, không đánh giá được khả năng của mình và cũng không được sự tư vấn từ những người thân hay từ những thông tin khác tự tìm hiểu được thì có khuynh hướng lựa chọn theo số đông bạn bè, hoặc lựa chọn theo những người bạn thân thiết của mình.
Trên đây tôi chỉ phân tích một vài nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan để cho thấy nhiều bạn trẻ không thực sự suy nghĩ về ngành nghề mình mong muốn sau này. Do vậy, xây dựng mục tiêu học tập ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông là việc hết sức cần thiết. Tôi sẽ dành thời gian để xây dựng một bài viết riêng về chủ đề này.
Như vậy sau khi đã bước vào giảng đường đại học, các bạn cần phải có phương pháo học tập như thế nào để có thể đạt kết quả tốt.
Đầu tiên là phương pháp học tập chủ động. Phương pháp học tập chủ động là gì? Một cách ngắn gọn, đó là tự mình tham gia vào quá trình học tập, tự tìm tòi, tự đặt câu hỏi để tìm hiểu về một vấn đề nào đó.
Tạm thời tôi kết phần 1 ở đây. Ở phần 2 tôi sẽ trình bày thêm về phương pháp học tập chủ động.