Sau khi được bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ (thời gian trung bình khoảng 6 tháng), các học viên được cử đi đào tạo chuyên môn. Có hai phương thức đào tạo: đào tạo toàn phần trong nước kết hợp với nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài hoặc đào tạo toàn phần ở nước ngoài.
Trong quá trình đào tạo, Ban điều hành chương trình sẽ cấp kinh phí đào tạo và sinh hoạt phí cho học viên đang học ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo, học viên sẽ được Thành ủy TPHCM bố trí việc làm.
Đến 12/11/2007, có 157 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo được bố trí tại các sở, ban, ngành, quận - huyện, tổng công ty thuộc UBND TPHCM. Để chuẩn bị cho việc bố trí công tác cho các học viên sau đào tạo, Ban điều hành chương trình đã triển khai 3 đợt khảo sát nhu cầu tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, Ban điều hành rút kinh nghiệm chú ý thu hút những nhân tố trẻ, giỏi, có tâm huyết, có chí hướng phục vụ lâu dài, ưu tiên xét tuyển với cán bộ công chức, viên chức diện quy hoạch dự bị.
Giai đoạn 2007-2010, có 6 nhóm ngành đào tạo:
Quản lý đô thị: Quản lý đô thị và công trình, Quy hoạch đô thị, Quản lý dự án, Quản lý bất động sản, Giao thông công chính, Tài nguyên môi trường, Cấp thoát và xử lý nước.
Quản lý hành chính nhà nước: Quản lý hành chính công, Quản lý nguồn nhân lực, Quản lý giáo dục, quản lý y tế, quản lý văn hóa, quản lý báo chí, quản lý khoa học & công nghệ.
Khoa học công nghệ: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật - công nghệ, chuyên khoa sâu của ngành Y.
Kinh tế: Quản lý thị trường Tài chính - chứng khoán, Quản lý kinh tế - kinh tế phát triển, Thương mại quốc tế, Kế toán - kiểm toán, Ngân hàng.
Luật: Sở hữu trí tuệ, hành chính, thương mại, dân sự…
Chính trị - văn hóa - xã hội: Kinh tế chính trị, Chính trị học, Triết học, Xây dựng Đảng, Xã hội học, một số chuyên ngành lĩnh vực văn hóa.
Đối tượng tuyển chọn là cán bộ, công chức và sinh viên mới tốt nghiệp đại học có hộ khẩu thường trú tại TPHCM và phải cam kết làm việc theo sự bố trí của Ban tổ chức Thành ủy sau khi tốt nghiệp. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, phải có người bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ của người được cử đi đào tạo.
Sinh viên mới tốt nghiệp muốn dự tuyển đào tạo thạc sĩ phải tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, có hạnh kiểm tốt trong suốt quá trình học tập. Trường hợp mới tốt nghiệp đạt loại khá, bản thân phải là đảng viên hoặc bí thư đoàn, chủ tịch hội sinh viên cấp khoa trở lên hoặc cha mẹ là cán bộ đảng viên.
Cán bộ công chức muốn đào tạo thạc sĩ phải có thời gian làm việc ít nhất hai năm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có bằng đại học chính quy loại khá trở lên. Cán bộ công chức muốn đào tạo tiến sĩ phải có bằng thạc sĩ với kết quả học tập loại khá trở lên, tham gia công tác ít nhất 2 năm, có đề cương nghiên cứu luận án tiến sĩ phù hợp với yêu cầu mục tiêu đào tạo của thành phố, có ít nhất 1 bài báo thuộc chuyên ngành đăng kí đào tạo và được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc có tham gia đề tài khoa học được nghiệm thu. Cán bộ công chức đã được đào tạo thạc sĩ trong giai đoạn 2001-2006 cũng nằm trong đối tượng được xét tuyển học tiến sĩ.
Các đơn vị lập danh sách cán bộ, công chức dự kiến cử đi đào tạo năm 2008 về ban tổ chức Thành ủy trước ngày 5/1/2008. Liên hệ Phòng Quy hoạch - Đào tạo cán bộ, Ban tổ chức Thành ủy: Phòng số 1 lầu 4, 127 Trương Định, quận 3, TPHCM. Điện thoại: 932. 6151. Email: hoachqui@hcm.vnn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét