Tiếng lá cây xào xạc trong mùa hè yên ả, tiếng chim hót líu lo trong vườn, tiếng lụp cụp của đồ làm bếp mà vợ hắn, tất cả quyện lại trong một câu nói ráo hoảnh "Giống ở Việt Nam hén". Đã bôn ba cũng 5 năm rồi, nỗi nhớ cũng đã nguôi ngoai, nhưng hễ nhìn cái gì hơi hơi gợi nhớ chút là hắn đã bật ra "Giống ở Việt Nam hén". Hình như quê nhà là chuẩn mực cho người tha hương, dù nó có tròn hay méo, đỏ hay vàng.
Dạo gần đây nghe tin biển bị đầu độc, cá chết, tôm chết, hắn tự hỏi, bao giờ tới người chết đây? Mà có lẽ không cần hỏi. Chắc đã chết từ lâu lắm rồi, kể từ khi cái quan niệm "cột đèn mà có chân thì cũng chạy", lòng người coi như đã chết rồi. Nghĩ vẫn vơ chán, hắn lại chép miệng "Đọc báo có hại cho sức khỏe".
Nói vậy chứ lâu lâu hắn cũng lén, mở vài trang báo mạng lên coi để biết ở quê nhà giờ giao thông vẫn vậy, chết hà rầm. Nghĩ tới cái cảnh mỗi tuần đi lên xuống Sài gòn vài bận là chuyện bình thường. Biết thì sợ, không biết thì không sợ. Theo cách nói của dân gian là "Điếc không sợ súng". Mà nói vậy cũng không phải, mỗi lần đi chung xe với dì Ba, cô Bảy, hay chú Sáu, thì ai cũng muốn đi cho nhanh, nhưng phải an toàn, mà phải thuận tiện đưa đón tận nơi. Nghĩ lại mấy anh tài xế cũng khổ.
Hắn đều đặn mở tin tức thời sự ở quê nhà lên coi, nói theo kiểu cà rỡn là "chương trình chửi lộn với cái tivi". Vì mỗi lần nghe cái gì chướng tai là hắn lại thao thao bất tuyệt. Mà hai vợ chồng nghĩ cũng lạ, phu xướng phụ tùy. Vậy là hai vợ chồng xúm vô bình loạn cái chương trình, để cuối cùng rồi đi đến kết luận "Coi ti dzi có hại cho sức khỏe".
Nhà hắn ngang cánh đồng, phóng tầm mắt ngút về phía khu rừng bảo tồn, nói là rừng chứ ở xứ này lạnh tê tái, nên chỉ độc một loại cây, toàn là thông với thông. Vào đầu vụ mùa, nông dân xứ này cũng ra đồng, nhưng khác ở chỗ là ngồi trong máy cày, với tai nghe nhạc, chừng một buổi là cày xong cánh đồng vài mẫu. Rồi họ gieo sạ cũng toàn bằng máy móc, nên chỉ cần 1 người làm là xong. Lại nhớ tới cảnh nông dân ở quê nhà, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Lỗi tại ai. Nghĩ tới đó là lòng hắn lại trĩu nặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét