Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Hành trình khám phá bản thân & Vượt qua chính mình (Phần 1)

Dành thời gian cho một bài viết vào thời điểm này thì có lẽ không hợp lý tí nào, khi thời hạn báo cáo đã sắp hết. Nhưng dành thời gian để lắng đọng và đối diện với những khó khăn thông qua những câu chữ rành mạch, tự "độc thoại" hay "đối thoại với chính mình" thì cũng xứng đáng phải không.

Từ khi bắt đầu chuyến đi thực tập ở Tokyo thì tôi mới thực sự biết đến môi trường nghiên cứu khoa học là như thế nào. Nói cho ngay thì trước đó tôi chẳng có khái niệm gì ráo trọi, những thuật ngữ như paper, journal, publications, citation, h-index, ... là những thứ mà tôi biết về mặt ngữ nghĩa, nhưng để cảm nhận và thấu hiểu nó thì ... không.

Thực tập ở Viện thông tin quốc gia Nhật bản (NII) là một giai đoạn tuyệt vời, ý định đi theo con đường khoa học bắt đầu từ đây. Môi trường nghiên cứu khoa học đẳng cấp với những giáo sư có uy tín cao trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Đây chính là lý do khiến tôi quyết tâm theo xin theo họ cở nơi này. Có những biến cố xảy ra mà tôi hoàn toàn không lường trước được, chính là động đất. Trận động đất lịch sử của nước Nhật đã làm nổ 3 lò phản ứng hạt nhân Fukushima ở quốc đảo này. Nhưng điều này cũng không làm tôi chùng bước mà ngược lại tôi càng muốn quay trở lại nơi này. Bởi đơn giản tôi nghĩ rằng: Khủng hoảng chính là cơ hội.



Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ở tại thời điểm đó, hầu hết các thực tập sinh quốc tế đều trở về nước của họ. Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng có dịp thức trắng đêm các bạn người Anh, Ấn để động viên và cập nhật tình hình của nhau. Cậu bạn người Anh thì đốt thuốc cả đêm và uống bia cầm hơi để cân nhắc về quyết định có quay về hay không. Khi hỏi ra thì mới biết được nguyên nhân khiến cậu ta đắn đo là vì nếu như ra đi vì bất kỳ lý do nào trong hoàn cảnh này thì cơ hội để quay trở lại tiếp tục công việc của cậu ta ở Tokyo là Zero. Cậu ta giải thích đơn giản là nguyên tắc ở Nhật nó thế, nếu anh đã xin nghỉ ở công ty nào đó rồi thì đừng mong quay trở lại. Nói một cách nôm na thì nguyên tắc này gần giống với câu nói "Người ra đi đầu không ngoảnh lại".

Nhưng cũng chính trong bối cảnh khủng hoảng này mà tôi đã tìm thấy cơ hội cho chính mình. Vì rằng tôi đã từng ở Nhật trong hoàn cảnh như vậy và mọi người cũng rất ngại ngần khi quay trở lại sau thảm hoạ kép động đất và hạt nhân. Vào tháng 9 năm 2011, khi hội nghị về Functional Programming (ICFP) được tổ chứng ở ngay tại Viện thông tin quốc gia Nhật Bản (NII), ban tổ chức đã trấn an khách tham dự bằng cách liên tục cập nhật về độ an toàn của không khí, thực phẩm và các vấn đề liên quan đến ... phóng xạ. Và hơn thế nữa, ngay tại bàn đăng ký của hội nghị lúc nào cũng có một máy ... .đo phóng xạ cầm tay để cho biết chỉ số phóng xạ trong môi trường hiện giờ là ... an toàn. Nhưng theo thông tin tôi được biết thì ông Giáo thân yêu của tôi tại thời điểm đó, hàng ngày vẫn chỉ uống nước khoáng ... nhập khẩu từ Châu Âu mà thôi :D.

(source: http://d.hatena.ne.jp/iwiwi/20110920/1316528846)

Có lẽ tôi đã đi ... hơi xa chủ đề mà tôi định nói. Thôi thì hơi lan man một chút về những biến cố khó quên trong đời. Nhưng hành trình vượt qua chính mình là khi tôi bắt đầu xin học bổng và nộp đơn xin theo học Tiến sĩ ở Tokyo. Và may mắn tôi đã làm được. Tôi xin hẹn kể lại câu chuyện này vào một dịp khác....

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: