Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Kinh nghiệm săn học bổng Nhật Bản

      Gần đây có một số người bạn của tôi có viết thư hỏi thăm một số kinh nghiệm xin học bổng sau đại học ở Nhật Bản. Tôi xin chia sẻ một vài điều mà toi thu lượm được từ quá trình xin xỏ của chính bản thân minh. Ở đây tôi chỉ nói ngắn gọn và co đọng thành những bước cụ thể nhằm giúp các bạn đang và sắp chuẩn bị heo đuổi ước mơ của mình.
       Để bắt đầu tôi sẽ chia thành hai trường hợp: 1) cần xin học bổng và 2) du học tự túc. 
       a. Ngay từ khi có ý nghĩ đi du học thì câu hỏi đầu tiên trong đầu tôi là "mình bắt đầu từ đâu?". Ông bà ta thường nói "Tầm sư, học đạo". Cứ theo như vậy mà làm là đảm bảo ... trúng.
           @ Trước tiên các bạn phải tìm được thầy, ở Nhật Bản, Giáo sư (GS) có quyền uy và sự tự chủ rất lớn, cho nên tìm thầy là việc cực kỳ quan trọng.
           @ Nên lập một danh sách các GS mà bạn sẽ liên hệ, vì "lọt sàn, xuống nia", nếu ông GS này không "hợp" với bạn thì có ông kế tiếp để bạn hy vọng. Hợp ở đây có nhiều nghĩa, trong đó nghĩa về danh tiếng của thầy và tài chính của thầy là điều cực kỳ quan trọng.
                 - Tuỳ theo khả năng và độ tự tin, các bạn có thể tìm GS trong những trường nổi tiếng ở Nhật như ĐH Tokyo, ĐH Waseda, ĐH Kyoto, ... nhưng nếu sức mình chưa đủ thì khả năng thành công sẽ không cao. Do vậy cũng cần cân đối giữa danh tiếng trường và sức lực của mình.
           @ Liên hệ với GS: bước này nói một cách nôm na là "tiếp thị bản thân" hay một cách lộ liễu trần tục là "bán mình".
                 - Khi liên hệ thì bạn phải có một số những thông tin cơ bản sau đây cung cấp cho GS thông tin cá nhân của mình, giải thích ngắn gọn về kiến thức chuyên môn và sở thích nghiên cứu của mình, nhưng cần nhấn mạnh một điều là mình đọc qua nghiên cứu của GS và thấy thích hướng nghiên cứu đó - để nói được thuyết phục phần này thì bắt buộc các bạn phải bỏ thời gian để đọc qua những hướng nghiên cứu của GS, các công bố và giải thưởng của ổng, ... để chứng tỏ mình thực sự quan tâm nghiêm túc đến nghiên cứu của GS.
                 - Lý do tại sao mình liên hệ với ông ấy: cần nói rõ là mình muốn tham gia chương trình ThS hay TS. Với thông tin cơ bản như vậy thì ổng sẽ trả lời cho mình biết là mình phù hợp hay không và mình có thể ra quyết định kế tiếp.
           @ Nếu GS đồng ý nhận bạn làm học trò thì xin chúc mừng bước đầu tiên, bạn không thể thất bại, chỉ trừ khi bạn gặp rắc rối về tài chính. Và lẽ dĩ nhiên nếu như du học tự túc thì không cần phải bàn đến việc xin học bổng đề làm gì. Cũng chia sẻ với các bạn là mình chẳng phải than nghèo kể khổ để xin học bổng làm gì, không chỉ riêng du học sinh Châu Á, mà hầu như tất cả các sinh viên đều muốn xin học bổng dù giàu hay nghèo.
       b. Kế đến là hỏi GS về thông tin học bổng. Ở Nhật có nhiều dạng học bổng khác nhau:
           @ HB trường: Mỗi một trường sẽ có một chính sách học bổng riêng như học bổng toàn phần (gồm học phí và sinh hoạt phí) hay một phần.
           @ HB chánh phủ Nhật: Chánh phủ cũng có những học bổng riêng biệt để thu hút sinh viên  như MEXT, JASSO, JSPS, ...
           @ HB từ GS: là học bổng từ quỹ nghiên cứu của GS - thường gọi là lương Research Assistant (RA) hay Project Assistant (PA).
           @ HB công ty: các công ty như Hitachi, Panasonic, NTT, Lawson, ... cũng cung cấp học bổng cho du học sinh, có thể giới hạn cho từng khu vực. Có loại chỉ cấp cho du học sinh Việt Nam theo học Master; hay chỉ cấp cho sinh viên Thái Lan theo học PhD 3 năm; hay cấp toàn phần cho sinh viên theo học PhD 5 năm chẳng hạn.
           @ HB chánh phủ VN: thông thường với các loại học bổng vừa nêu trên thì các bạn yên tâm sẽ không phải chịu bất kỳ sự ràng buộc hay cam kết làm việc lâu dài nào. Nhưng riêng với học bổng của "phe ta" thì các bản phải ký cam kết quay về nước và cống hiến trong khoản thời gian nhất định nào đó thì mới xin được. Ví dụ như: học bổng 322, học bổng 911, học bổng thành uỷ, học bổng Mekong mấy ngàn gì đó, ...
       c. Quan trọng, học bổng MEXT: trường hợp xin học bổng MEXT các bạn thường chỉ quan tâm đến MEXT thông qua đại sứ quán nhật ở từng nước - tôi tạm gọi là quy trình 1. Với qui trình 1 này các bạn phải chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu để được xét duyệt và đề cử cho ĐSQ Nhật ở VN.
            @ Nhưng với qui trình 2, cũng gọi là học bổng MEXT nhưng các bạn có thể nộp trực tiếp ở Nhật. Nhưng để làm được điều này thì bạn phải được GS nhận làm học trò và tiến cử thông qua trường. Điều này có nghĩa là nếu như bạn được GS nhận và đề cử lên trườn thì bạn sẽ có nhiều khả năng nhận học bổng MEXT. Thời gian cho học bổng loại này là tầm tháng 4, 5 hay gì đó.
       Khi đã hoàn tất các thủ tục và kinh phí thì ... a lê hấp ... lên đường thôi.

                                  NHƯNG NẾU KHÔNG XIN ĐƯỢC HỌC BỔNG THÌ SAO???
       Thông thường bạn sẽ nhận được lương từ quỹ nghiên cứu của GS, tuy nhiên bạn phải làm việc cho GS khoản 20 giờ/ 1 tuần (theo luật ở nhật được làm 28h/1 tuần, nhưng GS chỉ chấp nhận 20h mà thôi). Và bạn phải làm một số việc liên quan đến nghiên cứu hay gì đó thì tuỳ GS. Mức thu nhập hằng tháng của bạn khoảng chừng 88,000yen ~ 880$US. Với mức này thì bạn sống ... dưới mức nghèo khổ ở Tokyo.
        Nên thông thường du học sinh sẽ cố gắng xin thêm một nguồn nữa để kết hợp với nguồn RA của GS cấp, vậy là cũng đủ cho sinh hoạt phí hằng tháng.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Chữ Người

Làm NGƯỜI trong chốn hỗn mang
Chung lưng đấu cật còn mang chữ NGƯỜI
Trót mang chữ sĩ trên đời
Đến khi gặp bạc, mắt ngời như lang

Ông Sư tu ở trong chùa
Còn Người lang bạc đi tu giữa đời
Giữa đời khi nắng khi mưa
Mưa thì lại ướt, thắm chưa chữ NGƯỜI?

Cỏ cây cũng biết làm người
Góp đời xinh đẹp có đòi chi đâu
Dẫu cho oằn xéo, dẫm đau
Vẫn đơm hoa trái, chẳng hờn trách nhau

Chữ NGƯỜI có khó đảm đương?
Thôi thì cụ thể biết đường mà theo

Một là phải biết THẬT THÀ
Dẫu cho lời nói, việc làm chẳng ngoa
Hai là phải biết THƯƠNG YÊU
Thương em, thương bạn, thương người thương thân
Ba là phải biết NHẬN SAI
Dù cho lỗi lầm, phải biết ăn năn

Ông trời vẫn cứ nắng mưa
Dẫu bao năm tháng vẫn chưa dứt lời
Mà sao vẫn mãi chữ NGƯỜI
Qua bao năm tháng vẫn hoài gian nan.

Tokyo, ngày 09 tháng 8 năm 2014.
Trống Không

Ai nhớ tình ai bớ nước non
Thanh xuân vùi dập tí con con
Bâng khuân chiều vắng lòng xao xuyến
Đêm về thao thức nhớ hư không

Một cõi mộng mơ hay cõi thực
Nhớ ngày nắng mới chớm thành thơ
Tắm gội tinh thần bằng điệu nhạc
Lặng lẽ quay về nhẹ tựa bông

Mơ ước một đời có dám không?
Dẫu cho nhân thế có xoay vòng
Một bước toả ra năm bảy ngả
Chọn lối đi về thoả ước mong

Sen hồng thơm ngát khoe muôn sắc
Cũng từng vùi dập chốn bùn tanh
Dẫu có trăm ngàn cơn khốn khó
Kiên gan bền chí ắt thành công.

Chiều tím bâng khuân lòng hụt hẫng
Bây giờ đã được mất xuân xanh
Tuổi trẻ bôn ba nơi đất khách
Ngẫm lại thời gian trôi quá nhanh

Đừng để lụi tàn bao khát vọng
Để rồi tiếc nuối với ngóng trông
Có dám bền gan cùng chí lớn
Cùng nhau vượt khó thoả chờ mong.

Tokyo, 08-08-2014

Tư duy "Chảy máu chất xám" và chuyện những con sao biển

Nhân chuyện đáp án đúng sai và cả những thống kê về số người "ra đi" và số người "quay về" trong "trò chơi" Đường lên đỉnh Olympia vừa rồi, có rất nhiều ý kiến bình luận về vấn nạn chảy máu chất xám, việc người tài không quay về nước sau khi "lên đỉnh Olympia".

Tất cả những bình luận đó làm tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về  "Những con sao biển" trong quyển "Hạt giống tâm hồn" mà tôi đọc từ lâu lắm rồi. Câu chuyện kể về một ông lão về hưu đang đi nghỉ ở bờ biển. Một buổi sáng đẹp trời ông đi dạo trên bờ biển đầy cát trắng và cả những con sao biển bị những con sóng cuốn vào bờ. Ông lão bắt gặp một cô bé chừng mười tuổi cũng đi dạo giống như ông, nhưng thỉnh thoảng cô bé lại cuối xuống nhặt một con sao biển và trả chúng về biển khơi. Ông lão rất lấy làm ngạc nhiên và lặng lẽ theo dõi cô bé. Cô bé cứ đều đặn làm công việc vô vọng đó cho đến khi ông lão không ngăn được tò mò và hỏi cô: "Tại sao cháu lại làm những việc vô nghĩa đó, vì sao biển bị mắc cạn ở đây rất nhiều, cháu không thể đem tất cả sao biển trả về đại dương nổi". Rất hồn nhiên, cô bé trả lời: "Dạ thưa đúng là có rất nhiều sao biển bị mắc cạn và cháu không thể mang tất cả chúng về đại dương. Nhưng cháu nghĩ với những con sao biển được trả về biển khơi thì chuyện này rất có ý nghĩa với chúng ạ". Ông lão sững người đăm chiêu như vừa ngộ ra được một điều gì.

Có một điều rất buồn cười là khi có người ra đi thì luôn luôn có nhiều ý kiến thiên về trách cứ, cật vấn người đi và thái độ có phần hậm hực của người cầm trịch. Nhưng có mấy ai đặt câu hỏi ngược lại là nếu họ ở lại, họ sẽ được đào tạo như thế nào? Hay họ lại chìm vào quên lãng như bao số phận khác?

Hãy nghĩ về việc làm thế nào để phát hiện ra nhiều người tài giỏi bằng một hệ thống đào tạo và khảo thí nghiêm túc, hiệu quả. Ở Nhật Bản này, trường ĐH Tokyo (Todai) được xem là một Harvard ở Nhật Bản và muốn vào học thì ngay từ phổ thông, học sinh phải lựa chọn một lộ trình phù hợp để theo đuổi. Với những người bảo thủ, thì Todai không thua kém các trường ĐH khác trên toàn thế giới, nên không có lý do gì để người Nhật phải ra đi cả. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người Nhật đi những nước phát triển khác. Điều này có nghĩa là không phải hễ có một hệ thống giáo dục và môi trường tốt là giữ được người. Ngay cả một nước như Nhật Bản. Cho nên việc người tài ở VN ra đi là điều rất dễ hiểu.

Vậy nên trước khi chỉ trích họ, thì hãy nhìn nhận một cách công tâm về hiện trạng của quốc gia và chung tay xây dựng.

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Mộng du

Mộng Du

Chợt bóng hoàng hôn phủ bụi mờ
Thôi thì số phận vẫn bơ vơ
Len lén chung tay bòn chút sức
Khe khẽ vẽ vời nhớ với thương
Dây leo đu khẽ chùm thưa thớt
Bóng nhạt dần trôi tản bóng hồn
Lữ khách tha hương nào biết được
Một hay ngàn dặm vẫn tha hương
Đã lìa cố quốc lòng còn tưởng
Quạ vẫn kêu chiều mặc nhớ thương.
Tokyo, 09 tháng 7 năm 2014.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Nuôi chí

Nuôi Chí


Thôi nhé từ đây đã cạn lời
Còn gì chất chứa nỗi chơi vơi
Duyên tình đã hết đành như vậy
Níu kéo chỉ thêm rối tơi bời

Khách ở nước Nam đã đến rồi
Hai năm ở lại cũng không trôi
Học đạo tầm sư là mục đích
Nuôi chí rạng danh ở trên đời

Dẫu khó muôn trùng luôn cố gắng
Cớ gì lại nghĩ chuyện thối lui
Không vì sự khó luôn rèn chí
Mơ ước công thành chớ có thôi

Cơ hội ngàn năm chỉ có một
Phụ lòng, ray rứt dạ khôn nguôi
Bên tình bên lý cân sao đặng
Thôi để trái tim thốt thành lời

Dẫu rằng tuổi trẻ rồi sẽ bạc
Tiếc nuối mộng trường vẫn lẻ loi
Sống trong dằn vặt, trong tiếc nuối
Hay vùng lên đặng toả sáng ngời

Thử thách, chông gai ai muốn chọn
An toàn, an phận lắm người đòi
Bạo gan vươn đến nơi xa lắm
Thoả mộng tung hoành đời tốt tươi.
Tokyo, 03 tháng 7, 2014


Cột kèo

Gió cuốn biển đông sóng lộn lèo
Đâm qua đâm lại tẻo tèo teo
Lái gió dong thuyền kêu phộp phạp
Sóng trôi sặc cục cứ trơ trơ
Khen ai đuổi bắt vui như thế
Trơ cái hồng nhan để đợi chờ
Phầm phập đâm vào đau đến thế
Thuyền hư chút xíu đá có leo
Có đâm xin hãy từ từ nhé
Sửa cột làm kèo để đú theo.
Tokyo, 03 July, 2014

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

không đề

Cóc kêu ếch ộp giữa trời mưa
Dông bão mưa bay đến chẳng chừa
Nhái rầu hiu hắt kêu ọt ẹt
Lão ếch ngồi nhìn chẳng tiếc thương
Chẳng may mưa gió tiêu hang trú
Cóc tiếc thôi rồi chẳng chốn nương
Lũ chuột hung hăng đào khắp chốn
Nhà cóc bồn chồn ngó vấn vương
Ếch xui cóc trộm dăm nhành lá
Kiếm được gì hay dựng chốn nương
Ếch tròn đôi mắt nhìn ngơ ngẩn
Mình lại trở thành kẻ bất lương
Cóc ơi sao chẳng chung tay giúp
Lại nói những điều gây nhiễu nhương
Dẫu biết là đang cơn hoạn nạn
Cóc ếch chung loài, lại bất lương?
Tokyo, 17 tháng 6 năm 2014

Không tên

Vận nước nổi trôi theo thế cuộc
Người Nam muôn kiếp vẫn gian truân
Vì sao cứ mãi long đong thế
Câu hỏi ngàn đời, ai đáp cho?
Dẫu biết giặc đã đến tận ngõ
Mà sao chẳng thấy ngỡ trò chơi
Lúc cần hào khí dâng nghi ngút
Khi chán lại dìm dưới đáy nhơ
Trí thức phải đâu phường đạo chích
Cớ sao xui vậy, tội chi đâu?
Chỉ cần hiệu triệu đầy chính nghĩa
Thực dạ quay về với nghĩa nhân
Dầu bao lầm lỗi dân vẫn thứ
Sống chẳng thẹn thùng với nước non
Đừng xui đừng khiến dân ai oán
Trí thức ngoại kiều chẳng vấn vương
Vì nước vì nghĩa cùng chung sức
Dẫn khác trăm đường ta cũng thương
Ngặt vì gieo oán hờn chẳng thiết
Nước Nam khi nào lại mến thương!

Tokyo, 17 tháng 6 năm 2014.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Sưu tầm bài thơ cơm & phở

Cơm hay Phở
-------------------------------
Ăn mãi cơm nhà, ngán tận hông
Thèm sao bát phở quán bên sông
Phở ngon, đậm chất vi dinh dưỡng
Xin phép bà, tôi thử được không?
- Bà vợ nghe xong, hiểu ý chồng. Hơi tức tối, nhưng vẫn thủ thỉ lại với chồng:
Cơm nhà còn dẻo trong nồi đồng
Phở chỉ thơm tho mùi viễn vông
Bổ dưỡng gì đâu, toàn bột ngọt
Cơm mình chất lượng lắm nghe ông!
- Ông chồng tiếp tục nài nỉ vợ, nhưng lần này kiên quyết hơn:
Cơm nhà lạt lẽo, chẳng say nồng
Phở đấy dẻo dai, đúng ý ông
Thôi cứ để tôi qua nếm thử
Một tô chỉ tốn có vài đồng?
- Bà vợ lần này tức ra mặt, nên gặn giọng kiên quyết lại vơi chồng:
Phở nấu giò heo chưa cạo lông
Ăn vào bệnh chết đó nghe ông?
Ham chi của lạ, mắc vào “Ếch” *
Chỉ có cơm nhà, bảo đảm không?
- Ông chồng thấy khuyên vợ không có áp phê, nên lớn tiếng hơn thua:
Nói mãi mà bà chưa chịu thông?
Tôi qua nếm thử chút cay nồng
Rồi mai khi đói dùng cơm lại
Thổi lửa, chung cơm tình vợ chồng.
- Bà vợ lần này bốc hỏa thật sự, cơn “Hoạn Thư” đã đỉnh điểm:
Cơm nhà chán cũng ăn nghe ông?
Đừng có mon men, phở với nồng
Cơm lạt thì bà thêm mắm, muối
Phở kia béo ngọt, cũng là không?
- Cha hàng xóm bên nhà nghe được cuộc tranh luận nãy giờ, vội hô sang:
Kề cận bên nhà, tôi cứ trông
Mong rằng nếm thử cơm nhà ông?
Ông chê thì để tôi vài bát!
Tôi nếm thử xem có ngọt không?
- Bà vợ cha hàng xóm nghe thế, cũng lên tiếng nói với chồng mình:
Cơm khét nhà người, chi việc ông?
Nhà mình có thiếu cháo cơm không?
Chớ mà ăn vụng, coi chừng đấy?
Bà biết thì roi mây tét mông…
- Ông chồng lúc này cũng bực mình lên tiếng:
Cơm khét, cơm khê cũng kệ ông
Đứa nào bước tới, chết nghe không?
Chưa ăn, ông để dành khi đói
Đừng tưởng ông đây, hết mặn nồng?
- Bà vợ được thế, nên hù chồng:
Sáng dạ ra chưa, cái bụng ông?
Cơm mình lắm kẻ vẫn đang trông
Cơm nhà thơm phức ra ngoài ngõ
Để hở trộm vào, rinh mất không?
- Ông chồng lúc này xuống nước, âu yếm vợ nói ngọt:
Tôi hết thèm rồi, phở với nồng
Cơm mình đậm chất, để cho ông
Từ đây dùng mãi tới đầu bạc
Tôi thử bà thôi có biết không…
Bà vợ giận lẫy:

Cơm nhà bà nấu chẳng để không
Nếu chê, bà để mời Lão Ông
Ông ăn không hết, dành cho Lão
Tuy già nhưng Lão còn cà nông.

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Nội dung thảo luận ở NII

Tóm tắt lại những nội dung trong buổi workshop sắp tới (tháng 5 năm 2014) của Gs Nguyễn Văn Tuấn sẽ tổ chức ở ĐH Tôn Đức Thắng.

Mình sẽ đề nghị các anh em trong NII tổ chức thảo luận thêm về chủ đề này (nếu có thể).

Ngày 1 (Thứ Hai 26/5):
• Bài 1: Tại sao công bố quốc tế
• Bài 2: Chọn tập san
• Bài 3: Thể loại bài báo khoa học
• Bài 4: Cách viết tựa đề (title) bài báo
• Bài tập và thảo luận 1
• Chia sẻ kinh nghiệm 1: Ts Nguyễn Ngọc Đức (Đại học Tôn Đức Thắng)
Ngày 2 (Thứ Ba 27/5)
• Bài 5: Cách viết bản tóm tắt (abstract)
• Bài 6: Cách viết phần Dẫn nhập (Introduction)
• Bài 7: Cách viết phần Phương pháp (Methods)
• Bài tập và thảo luận 2
• Chia sẻ kinh nghiệm 2: Ts Lê Văn Út (Đại học Tôn Đức Thắng)
Ngày 3 (Thứ Tư 28/5)
• Bài 8: Cách viết phần Kết quả
• Bài 9: Cách trình bày biểu đồ và bảng số liệu
• Bài 10: Cách viết phần Bàn luận (Discussion)
• Bài tập và thảo luận 3
• Chia sẻ kinh nghiệm 3: Bs Vương Thị Ngọc Lan (Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TPHCM)

Ngày 4 (Thứ Năm 29/5)
• Bài 11: Đệ trình bản thảo và submission trực tuyến
• Bài 12: Văn phong khoa học
• Bài 13: Tại sao bài báo bị từ chối
• Bài tập và thảo luận 4
• Chia sẻ kinh nghiệm 4: Bs Hồ Phạm Thục Lan (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Standardwerd và Thư viện gia đình

Hôm nay trong nhóm thảo luận bữa trưa, có một anh chàng người Đức tên Martin tham dự và thảo luận về phương pháp "Standardwerk" (tiếng Đức có nghĩa là "từ chuẩn xác").
[Nguồn: http://goo.gl/jYXyqS]

Buổi thảo luận này cũng làm tôi nhớ về những ngày đầu cấp sách đến trường, thông thường cách tiếp cận của trẻ con độ tuổi tiểu học là học thuộc lòng. Khi lớn hơn một chút, ở độ tuổi cấp 2 và cấp 3, thì học thuộc lòng vẫn là chủ đạo, ngoài những môn như Toán, Lý, Hoá thì yêu cầu phải tư duy.
Vậy câu hỏi đặt ra là ở lứa tuổi học sinh, thì liệu có vấn đề học tập gì mà sinh viên cần động não hay không? Nếu có thì cách giải quyết của học trò là gì? Với tình hình hiện tại thì sẽ học trò phải học đủ thứ môn mà kiến thức đã có đầy đủ ở trong đó rồi, nên có thể  không có gì cho họ giải quyết.

Với bậc đại học thì vấn đề có thể khác đi nhiều hơn vì sinh viên cần phải tự học và tiếp cận các vấn đề một cách độc lập hoặc cộng tác theo nhóm. Với môi trường Internet như hiện nay, mỗi khi gặp vấn đề gì cần giải quyết thì tìm kiếm trên google vẫn được rất nhiều người chọn lựa, hoặc tham khảo trong sách giáo khoa, ... Nhưng liệu hành động tra cứu này có xây dựng được kiến thức vững vàng cho sinh viên về vấn đề mà họ ddang theo đuổi hay không?

Quay trở lại với buổi thảo luận bữa trưa, phương pháp của anh chàng Martin này được cho là tiêu biểu của người Đức chứ không phải chỉ là kinh nghiệm cá nhân mà thôi. Anh chàng này qua viện tôi được 1 tháng, nhưng điều ấn tượng nằm ở chỗ là anh ta có thể nắm bắt được nhiều kiến thức một cách rất là hợp lý và rõ ràng.

Ví dụ như trong lab tôi sử dụng ngôn ngữ OCaml để lập trình, trong khi anh chàng này không biết tí gì hết.
1) Khi này "Standardwerk" mà Martin áp dụng là lên thư viện.
2) Tìm một quyển sách về OCaml càng dầy càng tốt. Vì nó sẽ chưa hầu như toàn bộ kiến thức về OCaml cần tham khảo .
3) Đọc chương đầu tiên để học các thuật ngữ và vấn đề cơ bản.
4) Giữ quyển sách đó để tra cứu khi cần thiết.

Riêng về cách đọc sách cũng là một vấn đề khác rất đáng để bàn thêm ở một chủ đề khác. Cách này nhìn chung cũng rất hay và thoạt nghe qua thì sẽ thấy rất bình thường. Nhưng điều đáng bàn ở đây là làm sao để giữ được cách tiếp cận đó cho nhiều trường hợp khác nhau và luôn giữ được "phương pháp" đó ở trong đầu.

Tôi sẽ chỉ ra một ví dụ mà rất nhiều người như chúng ta hay mắc phải. Ví dụ như bạn mới mua một cái máy laptop mới, thì việc đầu tiên khi mình mở hộp ra sẽ là cầm nắm máy, ghim điện thử, nếu trường hợp kỹ lưỡng hơn sẽ xem coi máy này sử dụng điện 110V hay 220V, ... Và sau đó là bật máy và táy máy. Riêng về hướng dẫn sử dụng đi kèm thường sẽ nằm ghọn ghẽ trong ... thùng rác. Đây là một trong những ví dụ điển hình về cách tiếp cận có hệ thống.
[Nguồn: http://goo.gl/UTyCva]

Nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nếu như muốn tra cứu, tôi có thể đi đâu? Phải thừa nhận một điều rằng thư viện ở các trường đại học từ lớn đến nhỏ chưa có nhiều quyển sách tốt để phục vụ nhu cầu tra cứu của sinh viên. Thường thì các quyển sách này đã lỗi thời, kiến thức chưa được cập nhật, hoặc giả là sách dịch bởi một ông tác giả nào đó không thuộc chuyên ngành trong sách. Và điều đáng nói hơn nữa là thiếu hẳn những quyển sách gốc cho sinh viên tham khảo. Nói một cách nôm na là sĩ tử ở các trường đại học còn không có sách để tham khảo thì làm sao đại chúng có thể tiếp cận được. Tình trạng tương tự xảy ra với thư viện ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông.
[Nguồn: http://goo.gl/cZpTVo]

Với những thế hệ được đào tạo mà không thấy sự ích lợi của hệ thống thư viện thì phương pháp "standardwerd" coi như không hiệu quả. Vậy nên tự thân vận động, mỗi gia đình hãy tự xây dựng một thư viện nho nhỏ với nhiều loại sách khác nhau và có vài quyển sách tốt để dạy con cái tra cứu khi cần thiết.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Tặng con yêu

Tiếng con cười réo rắt
Len lỏi trên đường xa
Dẫu trời giăng giăng tuyết
Con vẫn cứ hát ca

Niềm vui là bất tận
Tay nắm chặt bàn tay
Nụ cười luôn luôn giữ
Dẫu lạnh giá, đường xa

Nụ cười ôi sao dễ
Gặp ba mẹ từ xa
Nụ cuời ôi sao dễ
Được bánh quà hát ca

Nụ cười ôi sao dễ
Dẫu trời vẫn tuyết rơi
Nụ cười ôi sao dễ
Dẫu đường đời chơi vơi

Con vẫn luôn cười mỉm
Dù trời lạnh mưa rơi
Con vẫn luôn ca hát
Dù mình con mà thôi

Cứ vô tư con nhé
Con vẫn là con thôi
Mai này khi con lớn
Giữ mãi nụ cười tươi.

Tâm tư

Trời mùa đông, mây sầu giăng kín
Con phố buồn vắng bước chân ta
Ôm nhiệt huyết vào lòng thổn thức
Tiếng chuông chiều chợt lắng đọng tâm can

Vẫn là tôi, người tha hương viễn xứ
Chợt ngậm ngùi, liệu ta vẫn là ta?
Mỗi bước đi niềm tin càng vững chắc
Dẫu chông gai dồn dập níu chân ta

Lòng sắt đá đạp tan muôn nguy khó
Vượt nghìn trùng quyết chí vùng lên
Đời dẫu khó nhưng muôn vàn thi vị
Hãy bền lòng, vững bước, sẽ thành công.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Phần 1 - Self-adjusting computation là gì?

Giới thiệu về Bidirectional Transformations

Một trong những bài toán mà tôi đang theo đuổi đó là bài toán "incremental view-update" - tạm dịch là "cập nhật tăng dần". Đây là một trong những bài toán kinh điển, vốn đã được cộng đồng nghiên cứu cơ sở dữ liệu theo đuổi từ lâu. Tuy nhiên với hướng tiếp cận cho chuyển đổi hai chiều (bidirectional transformations - Bx) thì bài toán này thoả mãn 3 tiêu chí cơ bản trong việc lựa chọn bài toán nghiên cứu: một là bài toán thú vị (interesting problem) do bài toán phổ biến từ lâu nhưng được nhìn lại ở khía cạnh chuyển đổi song phương (Bx); hai là đủ khó (difficult problem): trước nay chưa ai nghiên cứu giải quyết bài toán này cho Bx; và ba là hữu dụng (useful problem): có khả năng giải quyết được rất nhiều bài toán thực tế liên quan đến Incremental view-update trong Bx.

Chuyển đổi hai chiều hiện diện ở rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ phần mềm. Sau đây tôi sẽ đưa ra nhiều ví dụ khác nhau để làm rõ thêm về việc ứng dụng chuyển đổi hai chiều trong đó.

             Ví dụ như đồng bộ bookmarks ở các trình duyệt khác nhau, hoặc trên nhiều máy tính/thiết bị khác nhau. Khi các bạn xài nhiều máy tính khác nhau, trang web mà bạn đánh dấu trên máy tính này sẽ được tự động đồng bộ với bookmarks của bạn ở các máy tính khác khi bạn bật nó lên. Ví dụ này nhìn bên ngoài tuy đơn giản nhưng làm thế nào để thực hiện việc đồng bộ một cách tự động và chính xác thì lại là một việc không dễ dàng.

             Một ví dụ khác là trong quy trình phát triển phần mềm, chúng ta có các bước khác nhau trong quá trình phát triển một phần mềm như lấy yêu cầu, phân tích, thiết kế, cài đặt, kiểm thử và đóng gói cho khác hàng. Nếu thay đổi xảy ra ở một bước nào đó ví dụ như thiết kế, yêu cầu đặt ra là làm sao để thay đổi đó có thể tự động được đồng bộ đến cá bước trước đó (như lấy yêu cầu, phân tích) hay sau đó (như cài đặt, kiểm thử và đóng gói).

Big Picture:

Bx được sử dụng để giải quyết nhiều bài toán ở các lĩnh vực khác nhau như software engineering, programming languages, ... Hiện tại, nhóm của chúng tôi đã xây dựng được một framework tên GRoundTram để hỗ trợ chuyển đổi hai chiều một cách tự động. Cho đến hiện nay (Jan 2014), vẫn chưa có được sự thống nhất để đưa ra định n ghĩa về BX là gì. Mỗi một nhóm nghiên cứu (subcommunities) sẽ đưa ra định nghĩa của riêng mình và quy chiếu một cách tương đối so với các nhóm nghiên cứu khác tuỳ theo cách tiếp cận của từng nhóm.

BXs cũng được nghiên cứu ở các cộng đồng khác nhau, (tôi tạm dịch một cách thuần Việt những thuật ngữ này) và đóng một vai trò quan trọng trong các nghiên cứu này ví dụ như: công nghệ phần mềm (software engineering), cơ sở dữ liệu (database), phát triển hướng mô hình (model driven development), đồng bộ hoá dữ liệu trùng lập đa định dạng (synchronization of replicated data in different formats), ...

           Có nhiều hướng tiếp cận BXs khác nhau, trong đó lens là một cách tiếp cận hướng ngôn ngữ. Lens là một chuyển đổi hai chiều giữa cặp dữ liệu, trong đó những thay đổi dữ liệu của bất kỳ bên nào, sẽ được cập nhật vào vị trí thích hợp cho bên còn lại. Phát biểu một cách nôm na thì Lens là chương trình biến đổi hai chiều (BX program) với 2 hàm get (forward) để biến đổi dữ liệu nguồn sang đích và put (backward) để biến đổi từ dữ liệu đích sang nguồn. Để đảm bảo tính đúng đắn và trong chuyển đổi hai chiều trên lens thì get & put phải thoả mãn hai thuộc tính gọi là well-behavedness properties như sau: (1) GetPut: đảm bảo nếu target không bị thay đổi thì source cũng không bị thay đổi & (2) PutGet: thay đổi trên target phải được cập nhật lên source chính xác.

Hiệu năng trong BXs là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Với khối lượng dữ liệu lớn (Big data), thì việc chuyển đổi ở chiều ngược lại (putback hoặc backward transformation) đóng vai trò rất quan trọng. Đưa thêm ví dụ cụ thể để minh hoạ.

            Ví dụ với dữ liệu nguồn lớn (source) thì chiều get (forward) chúng ta sẽ thu được những thông tin rút gọn cần thiết ở đích (target). Tuy nhiên khi thực hiện cập nhật ở đích (target) và thể hiện những thay đổi này về nguồn (source) thì putback yêu cầu phải có dữ liệu nguồn ban đầu (original source) để thực hiện việc cập nhật. Trong ngữ cảnh đó việc cập nhật sẽ không hiệu quả vì phải tính toán lại trên toàn bộ dữ liệu nguồn ban đầu (original source) kết hợp với dữ liệu đích mới (modified target). Khi này vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng hiệu năng của phép chuyển đổi hai chiều trong lens và vẫn đảm bảo được qui tắc well-behavedness của lens.

            Bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào để thực hiện phép biến đổi get/put hiệu quả hơn khi có những thay đổi nhỏ ở nguồn hoặc đích. Thay vì tính toán lại toàn bộ, làm thế nào để tái sử dụng lại nhiều nhất các phép tính toán đã thực hiện và chỉ phải tính lại đúng những phần bị thay đổi mà thôi. Bài toán thuộc dạng này được gọi là Incremental updates - đây là bài toán được nghiên cứu từ lâu trong cộng đồng nghiên

Phương pháp:
     Yêu cầu đặt ra của bài toán là làm thế nào để tăng hiệu năng của lens khi thực hiện biến đổi 2 chiều. Cụ thể hơn là với những thay đổi nhỏ ở nguồn (source) hoặc đích (target), ta có thể tái sử dụng lại các phép tính toán và kết quả đã thực hiện trước đó mà không cần thiết phải tính lại toàn bộ.

     Có nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết bài toán Incremental update trong BXs như là
          (1) tính toán lại toàn bộ mà không tái sử dụng bất kỳ phép tính nào - cách này kém hiệu quả,
          (2) thiết kế riêng cho từng bài toán, cụ thể trong trường hợp này là thiết kế riêng phương án tăng hiệu năng cho lens - phương pháp này hiệu quả cho từng bài toán cụ thể, nhưng không tổng quát hoá được và áp dụng một cách có hệ thống được
          (3) đặc tả những thay đổi có thể xảy ra để khi nguồn hoặc đích bị thay đổi thì chỉ cần tính toán lại trên những thay đổi đó mà thôi (Edit lenses) - cách này yêu cầu nhiều ràng buộc và không thân thiện với người sử dụng
          (4) Self-adjusting computation: ghi nhớ lại những phép tính đã thực hiện và khi bị thay đổi thì tái sự lại nhiều nhất các phép tính có thể - cách này có hiệu quả cao hơn hết do có thể biểu diễn mối quan hệ giữa các phép tính và dữ liệu bằng cách xây dựng đồ thi phụ thuộc động (Dynamic dependence graphs), và có thể áp dụng một cách có hệ thống cho nhiều bài toán khác nhau, và thân thiện với người dùng - người dùng không cần biết nhiều về cấu trúc bên trong, chỉ cần thay đổi một ít trong CTDL hiện có của mình và của chương trình mình viết.

Ý tưởng:
          Thử nghiệm bằng cách sử dụng phương pháp để giải quyết bài toán Incremental computation trên để giải quyết vấn đề Incremental update trong BXs. Tuy nhiên việc kết hợp này cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết như: làm thế nào để giải quyết được compositional problem?.
          Ví dụ: với dữ liệu nguồn S (Source) và NHIỀU chương trình biến đổi hai chiều f (BX program) chương trình này sẽ áp dụng điều kiện p trên S để thu được V. Mô hình của compositional như sau: S <-> f <-> V1 <-> f <-> V2 <-> f <-> V3 <-> ... <-> V.
          Một vấn đề khác cũng được đặt ra đó là làm thế nào để xây dựng phương pháp một cách có hệ thống thay vì một giải pháp tình thế (ad hoc way) ?

Giải pháp:
          Kết hợp phương pháp self-adjusting computation với BXs, thử nghiệm bước đầu với Lenses để  tăng hiệu năng. Cách tiếp cận này có các ưu điểm sau:
                    (1) Modularity: với các chương trình BX hiện có, việc xây dựng thành Self-adjusting BX có thể thực hiện một cách có hệ thống mà không cần thay đổi toàn bộ cấu trúc chương trình sẵn có.
                    (2) Efficiency: cách tiếp cận này có thể tăng hiệu năng của chương trình vì nó tái sử dụng lại các phép tính toán và kết quả đã được thực hiện trước đó một cách chính xác.
                    (3) Compositional: nhiều chương trình chuyển đổi hai chiều có thể được kết hợp lại với nhau, trong đó output của một chương trình này có thể trở thành input của một chương trình khác một cách dễ dàng.

(Còn tiếp).

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Hành trình khám phá bản thân & Vượt qua chính mình (Phần 1)

Dành thời gian cho một bài viết vào thời điểm này thì có lẽ không hợp lý tí nào, khi thời hạn báo cáo đã sắp hết. Nhưng dành thời gian để lắng đọng và đối diện với những khó khăn thông qua những câu chữ rành mạch, tự "độc thoại" hay "đối thoại với chính mình" thì cũng xứng đáng phải không.

Từ khi bắt đầu chuyến đi thực tập ở Tokyo thì tôi mới thực sự biết đến môi trường nghiên cứu khoa học là như thế nào. Nói cho ngay thì trước đó tôi chẳng có khái niệm gì ráo trọi, những thuật ngữ như paper, journal, publications, citation, h-index, ... là những thứ mà tôi biết về mặt ngữ nghĩa, nhưng để cảm nhận và thấu hiểu nó thì ... không.

Thực tập ở Viện thông tin quốc gia Nhật bản (NII) là một giai đoạn tuyệt vời, ý định đi theo con đường khoa học bắt đầu từ đây. Môi trường nghiên cứu khoa học đẳng cấp với những giáo sư có uy tín cao trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Đây chính là lý do khiến tôi quyết tâm theo xin theo họ cở nơi này. Có những biến cố xảy ra mà tôi hoàn toàn không lường trước được, chính là động đất. Trận động đất lịch sử của nước Nhật đã làm nổ 3 lò phản ứng hạt nhân Fukushima ở quốc đảo này. Nhưng điều này cũng không làm tôi chùng bước mà ngược lại tôi càng muốn quay trở lại nơi này. Bởi đơn giản tôi nghĩ rằng: Khủng hoảng chính là cơ hội.



Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ở tại thời điểm đó, hầu hết các thực tập sinh quốc tế đều trở về nước của họ. Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng có dịp thức trắng đêm các bạn người Anh, Ấn để động viên và cập nhật tình hình của nhau. Cậu bạn người Anh thì đốt thuốc cả đêm và uống bia cầm hơi để cân nhắc về quyết định có quay về hay không. Khi hỏi ra thì mới biết được nguyên nhân khiến cậu ta đắn đo là vì nếu như ra đi vì bất kỳ lý do nào trong hoàn cảnh này thì cơ hội để quay trở lại tiếp tục công việc của cậu ta ở Tokyo là Zero. Cậu ta giải thích đơn giản là nguyên tắc ở Nhật nó thế, nếu anh đã xin nghỉ ở công ty nào đó rồi thì đừng mong quay trở lại. Nói một cách nôm na thì nguyên tắc này gần giống với câu nói "Người ra đi đầu không ngoảnh lại".

Nhưng cũng chính trong bối cảnh khủng hoảng này mà tôi đã tìm thấy cơ hội cho chính mình. Vì rằng tôi đã từng ở Nhật trong hoàn cảnh như vậy và mọi người cũng rất ngại ngần khi quay trở lại sau thảm hoạ kép động đất và hạt nhân. Vào tháng 9 năm 2011, khi hội nghị về Functional Programming (ICFP) được tổ chứng ở ngay tại Viện thông tin quốc gia Nhật Bản (NII), ban tổ chức đã trấn an khách tham dự bằng cách liên tục cập nhật về độ an toàn của không khí, thực phẩm và các vấn đề liên quan đến ... phóng xạ. Và hơn thế nữa, ngay tại bàn đăng ký của hội nghị lúc nào cũng có một máy ... .đo phóng xạ cầm tay để cho biết chỉ số phóng xạ trong môi trường hiện giờ là ... an toàn. Nhưng theo thông tin tôi được biết thì ông Giáo thân yêu của tôi tại thời điểm đó, hàng ngày vẫn chỉ uống nước khoáng ... nhập khẩu từ Châu Âu mà thôi :D.

(source: http://d.hatena.ne.jp/iwiwi/20110920/1316528846)

Có lẽ tôi đã đi ... hơi xa chủ đề mà tôi định nói. Thôi thì hơi lan man một chút về những biến cố khó quên trong đời. Nhưng hành trình vượt qua chính mình là khi tôi bắt đầu xin học bổng và nộp đơn xin theo học Tiến sĩ ở Tokyo. Và may mắn tôi đã làm được. Tôi xin hẹn kể lại câu chuyện này vào một dịp khác....

(Còn tiếp)

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Đôi dòng về facebook và lướt web - Where is my time?

Trước hết tôi phải công nhận rằng Facebook (FB) quả là một phương tiện kết nối những người bạn và những người không quen biết một cách tuyệt vời. Về sức lôi cuốn của FB thì tôi nghĩ là nó quá phổ biến và ích lợi với nhu cầu của đại đa số người sử dụng internet nên tôi cho rằng không cần phải nêu chi tiết ở đây. Liệu có bao giờ bạn thử đặt câu hỏi xem một ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho FB - một cách thẳng thắn nhất.

Với cá nhân tôi, tôi không có thói quen post những cảm nghĩ của mình lên FB, nhưng rất sẵng sàng đọc lướt qua tâm trạng của mọi người. Bạn đoán thử xem mỗi lần tôi "viếng thăm" FB mất bao nhiêu thời gian? Xin thưa với các bạn rằng dạo đầu thì tôi mất khoản 10-15 phút với các cảm xúc của nhiều người, vì rằng có nhiều người mà tôi không quen biết cứ hiện lên FB của tôi, nên tôi phải lướt qua họ để gặp những khuôn mặt mà tôi quen biết. Với những cảm nghĩ của kèm liên kết báo chí thì đây quả là một thảm hoạ đối với tôi. Bởi vì chính sự tò mò đã tiêu tốn nhiều thời gian hơn cho FB.

Bạn hãy hình dung nếu như bạn mở một cánh cửa để vào căn phòng, trong căn phòng đó lại có 5 cánh cửa khác được trang trí rất lôi cuốn và mỗi trong số năm cánh cửa đó đều phù hợp với từng lứa tuổi, chính vì vậy nên bạn lại bước tiếp và bước tiếp trong mê cung đó.

Một khía cạnh khác mà tôi nghĩ là rất quan trọng trong việc quản lý thời gian và hiệu suất làm việc liên quan trực tiếp đến hành vi mà tôi tạm gọi là "lướt web vô định" và một phương tiên "thời thượng" FB. Ở đây từ "lướt web vô đinh" để ám chỉ trạng thái không tự chủ của người dùng internet khi họ online, và tuân theo sự dẫn dắt của trí tò mò bằng cách lần theo những liên kết được chia sẻ hay duyệt lần lượt các trang tin tức mà họ biết. Khi lên FB thì bạn thường rơi vào trạng thái "lướt web vô định", và đây chính là sát thủ tiêu diệt thời gian của bạn.

Có thể bạn sẽ lý luận rằng một ngày bạn chỉ lên FB vài lần hoặc giả khi xong việt lướt web tôi lại quay trở về công việc ngay lập tức. Xin thưa với các bạn rằng việc này có ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý và sự tập trung của bản thân các bạn. Khi quay trở lại công việc, bạn sẽ mất khoản 5 - 15 phút để lấy lại được sự tập trung trước khi bắt đầu công việc. Và sự tập trung của bạn chỉ tốt ở 15-30 phút đầu tiên mà thôi, chính vì vậy nên bạn sẽ có khuy hướng viếng thăm FB và lướt web vô định nhiều lần trong một ngày hơn bạn tưởng tượng.

Trên đây là một vài mặt trái của FB mà tôi muốn chỉ ra với riêng bản thân mình nhằm chia sẻ góc nhìn cá nhân với mọi người.

Còn BẠN thì sao?

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Tản mạn

Tập trung tư tưởng là một điều gì đó xa xỉ với nó. Thân xác nó ngồi đó, nhưng thần trí thì lang thang mơ về một nơi vô định. Qua năm mới này nó lại nhích dần đến thời kỳ "tam thập nhi lập", mà điểm qua điểm lại thì vẫn tay trắng hoàn trắng tay. Nó bắt đầu một bước ngoặc mới khi nhảy cóc từ vùng quê thanh bình lên phố thị chen chúc. Rồi lại nhảy oạch bước nữa từ Sài gòn phố thị qua Tokyo náo nhiệt, đèo bồng theo cả tình yêu lớn và tình yêu vĩ đại của mình. Nhưng trong tâm trí hắn vẫn còn mãi phiêu du ở một phương trời nào đó, một nơi mà hắn có thể tung hoành ngang dọc chứ không chết dí trong một cái kiếp sống "đui câm điếc thì không" nhưng "nhìn mà không thấy, nói mà không nghe, và dẫu nghe thì cũng không biết". Đó chưa phải là ước mơ cuối cùng của hắn, chẳng là hắn chia ước mơ ra thành từng khoản nhỏ, và cứ từ từ mà gậm nhắm từng chút một. Ít ra là đã gậm được một nữa ước mơ.
Bài báo cầm lên đọc ít câu rồi lại quay đầu với bao suy nghĩ, hắn thích suy tư, ngẫm nghĩ về thời cuộc, về con người, về những gì thực tế. Và trong cả việc làm, hắn cũng là con người rất thực tế, vậy nên những gì hắn phải làm sao mà gượng ép và gò bó trong những điều trên mây. Vậy nên trong lòng hắn rất lấy làm khó chịu. Kiếp sống này là vô thường, hạnh phúc cho người khác và hạnh phúc cho chính mình. Nếu như bản thân mình không thấy hạnh phúc, thì mình cũng không thể suy nghĩ, hành động và thể hiện xúc cảm như một người hạnh phúc. Một năm nhìn lại nỗ lực cũng đã có rất nhiều, ước mơ cũng đã được hoàn thành phần nào, tạm đúc kết trong mấy chữ rất thường sử dụng từ khi còn là học sinh trung học cơ sở. Đó là "tận nhân lực, truy thiên mệnh" - Hãy cố gắng hết sức, và không cần phiền muộn về quá khứ hoặc tương lai, chỉ cần sống tốt từng phút từng giây hiện tại là được.
Với cuộc sống vô thường này, những ước mơ chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi con người. Vậy nên hãy phấn đấu để đạt được những ước mơ mà mình hằng ấp ủ, hãy gạt bỏ những nỗi sợ hãi vô minh, hãy mạnh dạn làm theo những gì con tim mách bảo. Và trên hết là không bao giờ ân hận vì đã làm theo những gì mình cho là nên làm.